Khi một trẻ được chẩn đoán chậm nói, rối loạn ngôn ngữ hay rối loạn phổ tự kỷ và được khuyên là cần phải can thiệp sớm thì phụ huynh thường quýnh lên, tìm địa chỉ can thiệp cho con. Tìm đâu đó trên mạng, người này người kia giới thiệu, mách này mách nọ…. đây là điều tốt.
Tuy nhiên, để tránh tiền mất tật mang và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ thì phụ huynh cần tìm hiểu rất kỹ trước khi cho trẻ can thiệp. Dưới đây là phần thực trạng việc can thiệp trẻ tự kỷ ở Việt Nam.
Chẩn đoán là rất cần thiết
Chưa có con số thống kê nào về số lượng trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ có khó khăn về ngôn ngữ nói chung ở Việt Nam được coi là tin cậy. Nhưng thực tiễn lại thấy rất là nhiều, trường nào, lớp Mầm non nào cũng có một vài bé có thể là tự kỷ hoặc khó khăn về ngôn ngữ.
Tại các khoa Tâm lý hoặc phục hồi chức năng (âm ngữ trị liệu ở cùng khoa) thường thì phải hẹn trước, thậm chí là hẹn cả tháng mới tới lượt. Điều này chứng tỏ nhu cầu khám là rất cao, chưa kể đến việc khám ở các cơ sở tư.
Đặt ra câu hỏi khám về ngôn ngữ và khám chẩn đoán tự kỷ do ai và ở đâu? Thứ nhất, khám ngôn ngữ thì người khám tốt nhất là các chuyên gia, chuyên viên về ngôn ngữ trị liệu (thường hay gọi là âm ngữ trị liệu) được đào tạo bài bản chứ không phải là bác sĩ hay giáo viên học vài ba lớp rồi về phán như thần (hiện nay dạng này rất nhiều). Thứ hai, chẩn đoán tự kỷ, vì tự kỷ không phải là bệnh, là lĩnh vực đa ngành nên một người khó mà chẩn đoán.
Ở một số nơi như Mỹ hay châu Âu thì chẩn đoán tự kỷ là nhóm bác sĩ hành vi, ngôn ngữ trị liệu và chuyên gia tâm lý học lâm sàng (thường là 2 trong số ba người) cùng khám và đưa ra chẩn đoán. Một số ít nước khác thì anh chuyên gia ngôn ngữ trị liệu có thể chẩn đoán.
Còn Việt Nam thì sao? Ai cũng có thể chẩn đoán, từ phụ huynh, giáo viên giáo dục đặc biệt, tâm lý giáo dục …. cũng ra chẩn đoán. Không có bác sĩ thần kinh, bác sĩ đa khoa, hay chuyên gia tâm lý nào được phép chẩn đoán tự kỷ cả. Đây còn là vấn đề lỗi hệ thống ở nước ta.
Có nhiều quan điểm là chẩn đoán hay không chẩn đoán tự kỷ. Tác giả bài viết cho rằng, cần lắm việc chẩn đoán tự kỷ. Vì khi can thiệp, can thiệp trẻ chậm nói thông thường nó khác với can thiệp trẻ tự kỷ (một số học chưa tới nói là giống nhau) xin miễn giải thích cái này.
Trung tâm mọc như nấm sau mưa
Với số lượng trẻ có nhu cầu can thiệp cao như vậy thì cần có số lượng các nhà chuyên môn là rất lớn. Can thiệp co trẻ tự kỷ cần một nhóm nhà chuyên môn, đa ngành như; ngôn ngữ trị liệu (phát triển ngôn ngữ, giao tiếp xã hội…), chuyên viên tâm lý (đánh giá, sàng lọc, làm các test về phát triển), giáo viên giáo dục đặc biệt, tâm vận động, hoạt động trị liệu …
Ở nước ta thì khó có thể có nhóm nhà chuyên môn cùng làm việc được vì chi phí sẽ rất lớn và khả năng làm việc nhóm của ta là rất kém. Mặt khác, người được đào tạo bài bản thì rất ít (ngôn ngữ trị liệu mới được mấy khoá – tính đến 2019) còn lại tâm lý và giáo dục đặc biệt có nhiều nhưng gần như chỉ là một môn học 2-3 tín chỉ.
Nhưng các trung tâm và giáo viên can thiệp thì nhiều vô số kể. Từ anh lang băm đến giáo viên các ngành, công tác xã hội, tâm lý … đều nhận mình là giáo viên can thiệp. Trung tâm có thực lực chuyên môn thì ít, không có chuyên môn thì nhiều.
Từ nhà báo, nhà thơ, đến cả phụ huynh học vài ba khoá, giáo viên giáo dục chính trị (dạy triết) … đều viết sách, mở trung tâm. Có những giáo viên, trung tâm dạy trẻ rất kì lạ; trẻ mới nói từ đơn lại bày bảng chữ số, chữ cái cho trẻ học (không biết gì và không biết can thiệp gì nên làm thế).
Can thiệp phải dựa trên sự phát triển chứ không phải là can thiệp cái gì cũng được. Phụ huynh theo dõi nội dung dạy có dựa trên quy luật phát triển hay không thì biết ngay giáo viên đó như thế nào. Vì thế, khi lựa chọn trung tâm, trường cho trẻ đi can thiệp thì phụ huynh cần lưu ý:
- Ai là người đứng đầu chuyên môn ở đó
- Đánh giá trẻ theo cái gì (tức là thang đánh giá để xây dựng chương trình, mấy anh không biết xài thang trẻ nước ngoài cho trẻ Việt là xong)
- Chiến lược can thiệp trọng tâm của từng trẻ ra sao
- Phương pháp can thiệp nào được áp dụng (xem thêm phần dưới giải thích)
- Giáo viên được huấn luyện như thế nào?
- Chương trình huấn luyện phụ huynh như thế nào? Cần huấn luyện phụ huynh như giáo viên để làm việc với con ở nhà.
Tóm lại, phụ huynh cần tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định chọn trường, trung tâm cho trẻ. Bằng cấp chuyên môn không đánh giá hết thực lực nhưng giữa tranh tối và sáng như thế này thì việc hỏi là cần thiết. Cần có nhóm hỗ trợ nên cho con đến nhà 1 giáo viên, giáo viên đến nhà (can thiệp dạo) cần xem xét lại.
Can thiệp có chứng cớ là sáng suốt
Can thiệp có chứng cớ (có bằng chứng) là phương pháp mà người ta đã nghiên cứu dựa trên mẫu số dân số lớn và thấy rằng nó đúng với số đông, sau nhiều quá trình nghiên cứu thực nghiệm và người ta đúc rút ra tính hiệu quả của nó thì coi là can thiệp có chứng cớ.
Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều chuyện dở khóc dở cười và được một bộ phận phụ huynh đón nhận. Ví dụ: con chậm nói hoặc tự kỷ không can thiệp mà đi tìm thầy để châm cứu, bấm huyệt, bóp mồm, bóp miệng … rồi mong chờ và hy vọng trong vô vọng. Mấy bạn bên đông y (bấm huyệt, châm cứu) cũng tranh thủ múa. Nói rằng; châm cứu, bấm huyệt sẽ nói. Rồi cả việc cấy tế bào gốc để điều trị tự kỷ..v.v.
Đây là những phương pháp được xếp vào can thiệp không có chứng cứ. Nó giúp đứa trẻ cải thiện mặt nào đó như; ngủ, vận động … chứ chả liên quan tới việc nói. Nói là do não, não tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin.
Cũng chẳng liên quan gì cái lưỡi, lưỡi ngắn, dày, mỏng, dính thì liên quan tới âm, có thể sẽ nói ngọng chứ không liên quan tới chuyện trẻ có nói được hay không. Từ năm 1948, thế giới đã có khái niệm “tự kỷ”, đầu tư nghiên cứu nhiều nhưng chưa có thuốc nào chữa trị. Vì vậy, đừng để tiền mất tật mang
Sau đây là một số phương pháp mà thế giới người ta đang dùng nhiều:
- Can thiệp sớm
- Phương pháp phân tích ứng dụng hành vi (ABA)
- Giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC hoặc PECS)
- TEACH
- Tâm vận động (một số nước châu Âu dùng, cái này mất nhiều thời gian)
- Hoạt động trị liệu (OT) Mỹ dùng nhiều
- Ngoài ra còn một số phương pháp bổ trợ thêm (âm nhạc trị liệu, mỹ thuật trị liệu, Yoga kid…) chỉ phù hợp tuỳ từng bé
Trên đây là một phần của thực trang can thiệp cho trẻ tự kỷ, nó có phần giúp ích khi phụ huynh nghiên cứu và tìm hiểu cho con trước khi can thiệp. Phụ huynh nhớ rằng cha mẹ quyết định 50% cho sự phát triển của con chứ không phải trường hay trung tâm nào làm được tất cả.
Để lại một bình luận