Giao tiếp tăng cường và thay thế (tiếng Anh: Augmentative and Alternative Communication, viết tắt AAC) là một cách khác để giao tiếp cho những người không nói được hoặc diễn đạt khó hiểu hoặc gặp khó khăn khi hiểu người khác.
Tăng cường là bổ sung hoặc thêm vào lời nói, thay thế thường được sử dụng cho những cá nhân bị suy giảm đáng kể về lời nói. Phương pháp này được dùng nhiều cho trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ hay những trẻ có lời nói giao tiếp kém hiệu quả.
Mục đích
AAC cung cấp chức năng và hiệu quả giao tiếp, hỗ trợ trẻ có khó khăn trong giao tiếp hiểu được giao tiếp và diễn đạt của người khác. AAC hỗ trợ phát triển những khả năng về nhận thức, xã hội và học tập qua việc gia tăng hiệu quả giao tiếp.
AAC giúp trẻ giảm thiểu những vấn đề về hành vi khi những hành vi đó xảy ra do trẻ không thể hiện được nhu cầu giao tiếp. Gia tăng sự hài lòng cho trẻ khi trẻ đưa ra thông điệp được cộng sự hiểu và đáp ứng. AAC còn hỗ trợ trẻ tham gia trong hoạt động hằng ngày, trường học, công viên,… được thuận lợi.
Có 2 loại giao tiếp tăng cường và thay thế được hỗ trợ và không được hỗ trợ. AAC được hỗ trợ có thêm những thiết bị hỗ trợ giao tiếp như: Bảng hoặc sách tranh, bảng đánh vần, thiết bị tạo tiếng, áy tính, điện thoại, máy tính bảng.
AAC không cần hỗ trợ là loại giao tiếp dùng ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ: dùng ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, và ngôn ngữ dấu hiệu.
Ai cần đến ACC
AAC quan trọng với những người không nói được vì họ có thể gặp khó khăn khi lấy thông tin, kết bạn, học tập, tìm việc, giữ an toàn hay biểu đạt cảm giác, ý kiến, ý tưởng. Các hệ thống AAC có thể được tùy biến cho phù hợp với nhu cầu giao tiếp của từng người.
Nếu một người không nói được thì họ có thể dùng các loại AAC khác nhau để giao tiếp. Một loại hoặc chiến thuật AAC có thể không đáp ứng được hết các yêu cầu của người dùng trong tất cả thời điểm. Một người có thể dùng nhiều loại AAC cho các nơi khác nhau như ở nhà, ở trường hay trong cộng đồng.
Những người gặp khó khăn trong giao tiếp do các rối loạn bệnh lý hoặc phát triển như: bại não, khuyết tật trí tuệ, bệnh nhân đột quỵ, bệnh nhân Parkinson hay bệnh Nơ ron Vận Động (bệnh MND). AAC cũng có thể dùng cho những người có vấn đề ở miệng hay họng do ung thư hoặc tai nạn.
Các thiết bị AAC có thể dùng làm biện pháp giao tiếp tạm thời cho một số trường hợp. Ngoài ra, các thiết bị AAC cũng có thể dùng làm biện pháp giao tiếp thay thế vĩnh viễn.
Đối với trẻ tự kỷ, việc trẻ gặp khó khăn trong sử dụng lời nói, trong giao tiếp là tình trạng rất phổ biến. Do đó, các bậc phụ huynh luôn tìm mọi phương pháp can thiệp về ngôn ngữ để mong trẻ có lời nói. Tuy nhiên, bố mẹ trẻ phải hiểu rằng lời nói chỉ là một loại phương tiện giao tiếp, là ngọn, phần cao nhất của tháp giao tiếp.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia có tới 25-50 % trẻ tự kỷ không có lời nói. Do đó mục tiêu của rất nhiều trẻ tự kỷ không phải là có lời nói mà là trẻ có thể “giao tiếp chức năng”. Trẻ luôn có nhu cầu giao tiếp, trẻ thể hiện cảm xúc và nhu cầu bản thân qua hành vi.
Khi trẻ không thể giao tiếp, không thể thể hiện nhu cầu của bản thân, trẻ sẽ có những hành vi định hình, thậm chí là bạo lực. AAC giúp trẻ có được quyền giao tiếp thông qua phương tiện giao tiếp không phải lời nói, AAC cũng giúp trẻ tăng khả năng hiểu ngôn ngữ và diễn đạt ngôn ngữ.
Hiểu lầm về ACC
Tuy được biết đến khá rộng rãi nhưng vẫn có những hiểu lầm của bố mẹ trẻ về AAC.
AAC gây cản trở giao tiếp của trẻ, khiến trẻ trở nên thụ động. Đây là một hiểu lầm không chỉ ở bố mẹ trẻ mà ngay cả các chuyên gia cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, nghiên cứu đã cho chúng ta thấy rằng ngược lại, AAC giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và lời nói nhanh hơn. Nó cho phép trẻ em có được hình ảnh và thính giác của các từ vựng và khả năng kết hợp các từ để tạo thành câu có nghĩa.
AAC là phương tiện giúp tăng khả năng tư duy của trẻ, giúp trẻ biết nhận biết, biết lựa chọn các sự vật để thể hiện nhu cầu của bản thân. Đối với những trẻ có khả năng sử dụng lời nói nhưng còn chậm, vốn từ còn ít thì AAC cũng giúp tăng các vốn từ và tăng khả năng diễn đạt của trẻ.
Trẻ phải có nhiều kỹ năng mới dùng được AAC hoặc trẻ phải có nhận thức về tranh ảnh mới dùng được AAC. Thực ra không phải như vậy, trẻ chỉ cần có nhu cầu giao tiếp là có thể dùng được AAC rồi. Bởi AAC rất phong phú, nó không chỉ dừng lại ở tranh ảnh hay phần mềm máy tính mà nó là tất cả các hình thức giao tiếp mà không phải lời nói. Trong đó ngôn ngữ ký hiệu cũng rất phổ biến AAC cũng có nhiều mức độ khác nhau để áp dụng với từng cá nhân cụ thể.
Phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế AAC là một công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ trẻ gặp khó khăn về giao tiếp. AAC sẽ giúp tạo nền tảng cho việc giao tiếp bằng ngôn ngữ và giao tiếp thay thế trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Trung tâm Hoa Cúc Trắng với nhiều năm kinh nghiệm đã chứng kiến nhiều trường hợp trẻ có những tiến bộ vượt bậc nhờ áp dụng phương pháp này một cách đúng đắn và kiên trì.
Để lại một bình luận